Vốn là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay gọi là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), được điều chuyển sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đang có những dấu hiệu phục hồi sau nhiều năm tháng ngấp nghé trên bờ vực phá sản.

“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục đóng mới 2 tàu dịch vụ dầu khí và sà lan nhà ở cho Công ty Liên doanh Vietsovpetro, dự kiến bàn giao trong năm 2016. Còn về sửa chữa, DQS đã tiếp nhận 15 lượt tàu, giàn khoan các loại vào cơ sở sửa chữa của Nhà máy là tàu Hoàng Sa, Trường Sa, giàn khoan Cửu Long, giàn khoan Tam Đảo, tàu Côn Sơn, giàn khoan Đại Hùng 1”, ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của DQS cho biết.

 

Cũng theo ông Ngọc, các năm 2011-2013, do những khó khăn lớn tồn tại từ thời Vinashin, nên DQS vẫn còn thua lỗ, nợ lương. Nhưng từ năm 2014, kết quả kinh doanh đã khác hẳn. Doanh nghiệp có lợi nhuận 49 tỷ đồng năm 2014, trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 25 tỷ đồng. Lương bình quân của lao động đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng trong năm 2014, đạt mức trung bình 8,9 triệu đồng/người/tháng trong 6 tháng đầu năm 2015.

 

“Đầu năm, chúng tôi đặt mục tiêu tổng doanh thu cả năm khoảng 1.171 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 34 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận đều đạt cao hơn dự kiến, nên khả năng đạt và vượt kế hoạch rất cao. Nhưng chúng tôi không điều chỉnh mục tiêu về lợi nhuận, vì còn phải xử lý một số vấn đề về nợ lương của những năm khó khăn trước để lại”, ông Ngọc cho biết.

 

Theo ông Ngọc, hiện nay, mặc dù có thể coi DQS đã cơ bản thoát khỏi nguy cơ phá sản, từng bước hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, có chút lợi nhuận, nhưng vẫn là một đơn vị khó khăn nhất trong PVN. DQS vẫn chưa trích lập được quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi để thực hiện chính sách đãi ngộ cho người lao động, quỹ tiền lương vẫn còn rất hạn hẹp.

 

“Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những điểm khó nhất là thu hút, đào tạo được nhân lực có tay nghề cao để thực hiện được các hợp đồng đóng tàu, sửa chữa tàu lớn. Việc đóng tàu ngày nay đòi hỏi công nghệ mới, nên doanh nghiệp còn phải đầu tư nhiều để hoàn thiện nhà xưởng, máy móc và phải chi phí nhiều cho bảo dưỡng, nếu không chất lượng máy móc, thiết bị giảm rất nhanh”, ông Ngọc nói.

 

Từ phía Ban điều hành, ông Lương Minh Hải, Phó giám đốc DQS cho hay, mặc dù có những nỗ lực, đồng lòng rất cao từ Ban giám đốc nhà máy và các kỹ sư, công nhân để Dung Quất hoạt động tốt trở lại, nhưng phải kể tới sự trợ giúp của PVN thông qua yêu cầu các công ty thành viên hỗ trợ, đặt hàng tại DQS.

 

“Nếu không, DQS chưa dễ thoát lỗ do vẫn còn rất yếu, chưa đủ mạnh để tham gia đấu thầu các hợp đồng đóng tàu, sữa chữa tàu biển lớn”, ông Hải nói và nhắc tới bộn bề công việc trong các tháng còn lại của năm 2015. Đó là hoàn thành sữa chữa tàu Athena để bàn giao cho PV Trans trong tháng 9/2015; tiếp nhận và sửa chữa tàu Chí Linh của Vietsopetro hay hoàn thành nhiều hợp đồng khác đúng hạn.

 

Thị trường nước ngoài cũng có những tín hiệu rất tốt với DQS. Tuy chưa tiết lộ cụ thể, nhưng ông Hải cũng cho hay, đang tích cực đàm phán với các đối tác nước ngoài để chốt hợp đồng 8 tàu mới. “Hy vọng tình hình càng ngày càng tốt hơn”, ông Hải nói thêm.

Theo Nguyễn Hà